Chuyện Dùng Tiền Mặt
Một hôm đồng nghiệp gặp mình ở ga tàu, chúng mình quyết định cùng đi chung. Bạn rất ngạc nhiên khi thấy mình dùng hai đồng 10 xu mua vé tàu thay vì quẹt chiếc thẻ thanh toán điện tử vạn năng.
Chúng ta đã ở một thời đại mà có những lúc người khác phải ngạc nhiên thốt lên: “Ơ đằng ấy dùng tiền mặt à?”. Mình đã ở một thời đại mà thi thoảng đáp: “Ừ, phương thức thanh toán chủ yếu của tui là tiền mặt”. Để rồi khi người ta hỏi: “Tại sao?”, mình có thể nhún vai: “Vì mình chỉ là một con Thỏ thôi mà”.
Mình đùa đấy. Tất nhiên là người ta có ngạc nhiên, nhưng không đến nỗi cho mình cơ hội được trả lời dễ thương và vô tri thế đâu, hihi.
Là một nhân viên ngân hàng, mình đã bắt đầu chủ yếu dùng thẻ để thanh toán từ trước khi “thanh toán không tiền mặt” nở rộ thành một tiêu chuẩn mới. Có hai lí do cho việc này: Một là mình rất đoảng, lười đem theo ví tiền nên quẹt thẻ ghi nợ (Debit Card) hoặc chuyển khoản. Và hai là, mình không có tiền :D Tức là mình từng tiêu bằng nợ, chính là thẻ tín dụng (Credit Card). Cuộc sống như thế vẫn trôi đi, cũng thấy đó thế là bình thường.
Sau này khi đi sang Đài Loan du học, mọi người cảnh báo, ở Đài Loan người ta vẫn rất hay dùng tiền mặt. Tuy nhiên ở Đài Bắc mình hoàn toàn có thể luôn dùng thẻ, quẹt, quẹt, và quẹt. Từ thẻ ghi nợ (Debit), đến thẻ tín dụng (Credit), đến các phương thức thanh toán ví điện tử, hoặc nạp tiền vào thẻ đa năng EasyCard là bạn có thể thanh toán gần như ở mọi nơi. Ôi, cuộc sống tiện lợi biết bao nhiêu. Cứ thế, mình đã có gần chục năm kinh nghiệm sống mà không dùng phương thức thanh toán tiền mặt mấy. Cho nên không chỉ đồng nghiệp phải ngạc nhiên, mà chính mình cũng ngạc nhiên vì sao lại có ngày mình quay trở lại dùng tiền mặt, trong một thế giới với những tiêu chuẩn mới về vật chất, khi mà đẳng cấp của một người thậm chí còn được nâng cao khi phe phẩy tấm thẻ tín dụng VIP nhỉ?
Thì câu trả lời nằm ở việc mình tái tổ chức lại đời sống tài chính của bản thân, trong đó có việc thay đổi tâm lý hành vi tiêu dùng, và tiền mặt là mấu chốt trong việc kiến tạo thay đổi này.
Nỗi Đau khi tiêu tiền (Pain of Paying/ Spending)
Chắc hẳn trong quá khứ, các bạn đều đã được nghe câu chuyện tếu về bọn nhà giàu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Chúng ta cười nhạo đó là sự keo kiệt, bủn xỉn. Bạn có bao giờ thắc mắc rằng, nếu giả dụ câu chuyện đó không phải là đùa, thì việc đo, đếm “lọ nước mắm”, “củ dưa hành” có thực sự làm bạn giàu hơn hay không?
Có thể là không. Nhưng việc đo đếm cẩn thận từng đồng tiền bạn có lại gắn bó mật thiết với hiện tượng tâm lý gọi là “Nỗi đau khi tiêu tiền”. Dưa hành hay nước mắm có thể coi là hình ảnh ẩn dụ cho những đồng tiền một người có. Mỗi đồng tiền bạn chi ra, thấy cái ví tiền xẹp đi một chút, là một nỗi tiếc rẻ dần xâm lấn tâm hồn. Điều đó vốn là bình thường, cho đến khi phương tiện thanh toán mới lên ngôi, trong đó có thanh toán không tiền mặt. Về tâm lí học hành vi mà nói, thanh toán không tiền mặt được làm cho càng ngày càng tiện lợi, nhanh chóng và dẫn đến thiết lập lại hành vi tiêu dùng.
Trong rất nhiều nghiên cứu các bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, việc không sử dụng tiền mặt nữa, chuyển sang dùng thẻ, dùng ví điện tử vân vân đã loại bỏ hình ảnh vật lí về từng đồng tiền bạn có trong tay dần biến mất. Tức là bạn tiêu tiền nhưng không thực sự thấy tiền ra đi, không thực sự cảm nhận được nó ở thể vật lí. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, thanh toán không tiền mặt làm giảm nỗi đau “mất tiền” khi bạn chi tiêu và dẫn đến bạn chi tiêu nhiều hơn cái bạn thực ra cần. Thậm chí với các phương thức tiêu trước trả sau, trong một thời đại cổ vũ tiêu dùng, bạn còn lậm vào tiêu tiền Trước khi bạn có tiền nữa kìa. Đối với thẻ tín dụng, nhiều nghiên cứu cho rằng bạn sẽ tiêu 10-18% nhiều hơn những gì bạn thực sự muốn tiêu.
Quay lại dùng Tiền Mặt như thế nào?
Mình quay lại dùng phương thức thanh toán chủ yếu là tiền mặt vì:
Kiểm soát được chắc chắn bản thân đang có bao nhiêu tiền
Dễ dàng chia tiền vào các quỹ (mình chia vào các phong bì khác nhau cho mục đích cụ thể)
Luôn có cảm giác “đau” khi rút ví
Việc quay trở lại dùng tiền mặt có thể hơi phiền, nhưng khi bạn đặt vào một kế hoạch tài chính tuần/ tháng tổng quan thì rất dễ dàng. Phương pháp chia tiền mặt vào các phong bì cho từng mục đích sử dụng giúp ích mình rất nhiều.
Ngoài ra, nó hỗ trợ bạn theo dõi chặt chẽ ngân sách. Ví dụ, ngân sách mua thức ăn là 500k một tuần. Vậy cầm đúng số tiền này đi mua đồ, thừa bao nhiêu nhét lại vào phong bì. Việc có một trần ngân sách cụ thể cho từng hạng mục chi tiêu sẽ giúp bạn kiểm soát kế hoạch tài chính tốt hơn.
Điểm Thưởng Thẻ Tín Dụng
Đến đây, có rất nhiều người sẽ nói, thẻ tín dụng với các chế độ hoàn tiền, điểm thưởng hấp dẫn tiện lợi hơn rất rất nhiều. Đặc biệt, lí do mình hay nghe nhiều nhất là “đằng nào chẳng phải tiêu khoản đó”. Rồi thì, không dùng thẻ tín dụng thì lấy đâu ra điểm tín dụng…
Đầu tiên, để khẳng định lại, mình vẫn có thẻ tín dụng, nhưng nó không phải hình thức thanh toán chủ yếu mình dùng. Mình vẫn dùng thẻ tín dụng để thanh toán một số thứ qua phương thức thanh toán trực tuyến cho các sản phẩm như: bảo hiểm, vé máy bay vì số tiền chi tiêu 1 lần cao, có thể được nhận điểm thưởng. Tuy nhiên, về cơ bản để đạt đến số lượng điểm thưởng đủ cao, bạn được khuyến khích chi tiêu Rất Nhiều. Cơ chế của thẻ tín dụng kiểu là bạn phải chi tiêu 1000 đồng để đổi lấy 1 điểm thưởng :D vì thế, với mình, không gì bằng mình lên kế hoạch tài chính từ trước. Thực ra các khoản như bảo hiểm, học phí, vé máy bay đều nằm trong kế hoạch chi tiêu từ đầu năm của gia đình mình với mốc thời gian thanh toán cụ thể và kế hoạch nghỉ phép cũng lên từ trước.
Chuyện để ra một khoản tiền mặt cho các khoản này vì thế cũng rất dễ dàng. Mình luôn có thể chọn trả tiền mặt ngay, hoặc là trả hết bằng thẻ tín dụng lấy điểm thưởng và kì sao kê tiếp theo thì thanh toán luôn toàn bộ chứ không trả góp. Nhưng về cơ bản, cốt lõi vẫn ở mình đã dự trù trước khoản tiền mặt rồi. Không một khoản chi lớn nào của nhà mình mà không được tích tiền mặt từ trước cả.
(Nguồn ảnh: Medium)
Thẻ tín dụng, bản chất là Nợ Vay, chúng ta đừng quên điều đó. Vì vậy, điểm tín dụng không phải là phản ánh điều gì khác ngoài việc Bạn Giỏi Trả Nợ đến đâu. Rất nhiều người cho rằng điểm tín dụng là cái gì đó thần thánh lắm, nó thể hiện Uy Tín của bạn với Ngân hàng. Nhưng đó lại là Uy Tín trong việc Giỏi Trả Nợ. Tức là bạn càng nợ nhiều và làm ra đổ vào trả nợ miễn không trễ hạn thì điểm của bạn sẽ cao. Nhưng mình không chắc bạn sẽ hạnh phúc hơn người hoàn toàn không có nợ, kê cao gối ngủ và không lo gì đến kì sao kê tới.
Vì rõ ràng nguồn trả nợ luôn là Thu Nhập trong tương lai. Chỉ cần sảy chân 1 chút, bạn sẽ chìm thẳng vào nợ nần như bạn T., một người quen của mình.
Bạn T., có mức lương 15tr và ngân hàng cấp cho bạn một chiếc thẻ tín dụng 25tr nữa. Bí quyết làm ăn của ngân hàng, luôn là cấp cho các bạn chiếc thẻ có hạn mức CAO HƠN thu nhập của các bạn từ 1.5 đến thậm chí 3 lần tùy nơi, tùy ngân hàng.
Nó làm bạn cảm giác bạn có tiền. T. nghĩ thế. Nhưng bạn chỉ có nợ. Một khoản nợ 25tr nằm sẵn đó, chờ bạn tiêu. Và bạn ấy đã tiêu.
Đến kì sao kê sau, bạn cần thanh toán hơn 20tr dư nợ thẻ tín dụng. Nhưng lương bạn chỉ có 15tr? Còn tiền nhà, tiền điện nước, tiền sửa xe, hay tiền gửi về cho cha mẹ thì sao? Với những người không có kế hoạch tài chính tổng thể và tiền dự phòng, họ rất dễ tưởng rằng cái thẻ Tín Dụng có thể là kế hoạch dự phòng, khoản tiền khi cần đột xuất có ngay. Rồi khi kì sao kê đến, nhìn vào đồng lương toàn bộ dùng để trả nợ mà còn không đủ, bạn sẽ bắt đầu thấy hoang mang.
Bởi đó là NỢ. Toàn bộ thu nhập tháng tiếp theo của T. sẽ được đổ vào trả nợ mà vẫn không đủ. Bạn chấp nhận trả một phần hoặc tối thiểu, nhưng nó đã cắn một khúc trong thu nhập tháng và tháng tiếp theo bạn thâm hụt lại quẹt… Cứ thế, thẻ của bạn luôn tối đa hạn mức và tháng sau bạn tiếp tục vòng quay tìm cách trả nợ. Mà thẻ tín dụng thì lãi suất nhẹ nhàng 22% một năm là thấp nhất các bạn chắc biết rồi đó.
Sẽ có nhiều người Ôi dào, đấy là bạn T. không giỏi quản lí tài chính, còn em, em giỏi quản lý tài chính nên thẻ tín dụng giúp em ti tỉ thứ, nào hoàn tiền mặt, nào điểm thưởng…
Ừ nhưng… Cũng không thay đổi thực tế đó là NỢ, và bạn bắt buộc phải lấy thu nhập tháng sau để trả cho khoản đã tiêu tháng trước. Cái hay nhất của nợ tiêu dùng thẻ tín dụng là nó làm cho người dùng Quên mất yếu tố Rủi Ro gãy dòng tiền, kế hoạch tài chính của ngay tháng sau và các tháng sau đó.
Chứ không sao nó thành ngành công nghiệp tỉ đô, là sản phẩm được marketing nhiều và tốt nhất mọi thời đại được :D sao ngân hàng lại tốt bụng thế, cho các bạn mượn nợ nhiều và thoải mái thế. Vì nó là công cụ “ấn” nợ tiêu dùng vào tay các bạn ngay khi các bạn chưa phát sinh nhu cầu. Đảm bảo khi bạn có thẻ rồi, bạn sẽ phát sinh nhu cầu mới, nghĩ xem tiêu gì bằng tấm thẻ này nhỉ :D
Tạm Kết
Những năm gần đây, mình ngày càng thích quay lại làm những cái xưa cũ, sợ cái nhanh và tiện lợi thái quá dễ đẩy bản thân mỗi ngày bước lệch đi một tí, nhìn lại đã thấy tổng thể bước lệch hẳn khỏi đường lối mình định đi. Đặc biệt mình muốn làm mọi thứ đơn giản. Cách đơn giản nhất luôn là làm việc theo hình thức cơ bản nhất. Trong đó có việc dùng tiền mặt.
Trong tương lai, điều đó sẽ khó khăn hơn. Các định chế tài chính và cơ chế XH sẽ cương quyết cổ vũ chúng ta dùng các phương tiện thanh toán mới. Truyền thông liên tục cổ vũ ta tiêu xài nhiều hơn, hướng đến một xã hội tăng trưởng nhờ tiêu dùng. Loài người sẽ chạy theo sự tiêu xài nhiều hơn mức nhu cầu và tất nhiên, phải vay nợ và bị buộc chặt bởi nợ nần để sắm nhà, sắm xe. Các bạn sẽ kí các thỏa ước nợ 5 năm đến 30 năm cuộc đời từ khi còn rất trẻ và tiền của do lao động vất vả trong tương lai đều dồn vào trả nợ. Mình lớn lên và chứng kiến điều đó ở trong ngành nghề và đời sống đã đủ nhiều để đi đến quyết định rằng:
Mình không muốn sống cuộc đời như thế, nên mình chọn cách sống khác đi.
Mình muốn tiêu chỉ tiền mình có, không cần vay nợ,
Và mình muốn được tự do với tâm thế một kẻ không nợ nần nặng gánh ^^
Chỉ đơn giản vậy thôi.
________
Mình là Irene Ying, một người viết về tiêu dùng tiết kiệm trong thời đại chủ nghĩa vật chất và tiêu dùng lên ngôi ^^
bạn viết hay quá ạ! <3